Tạp chí Headache mới công bố một nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động và chứng đau nửa đầu.
Có 4.560 người tình nguyện tham gia vào nghiên cứu này, họ đều trên 20 tuổi và chưa bao giờ hút thuốc. Những người tham gia được hỏi về việc liệu họ có cơn đau đầu trong vòng 3 tháng nay và họ sẽ được đo nồng độ cotinine trong máu (đây là chất chuyển hóa chủ yếu của nicotin, hàm lượng trong máu tỉ lệ thuận với mức độ phơi nhiễm).
Kết quả cho thấy việc phơi nhiễm nặng với khói thuốc lá (cotinine huyết thanh > 1 ng/ml) có liên quan với chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Đặc biệt, những người có BMI dưới 25kg/m2 và ít vận động bị đau đầu nhiều hơn khi hít khói thuốc lá thụ động so với những người khác trong nghiên cứu.
Trước đây chúng ta đã biết rằng những người hút thuốc lá trực tiếp bị đau đầu do nicotin trong thuốc lá làm co mạch máu não nên giảm tưới máu não. Nhưng nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta góc nhìn mới về người không có thói quen hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá thụ động dễ bị đau đầu/đau nửa đầu.
Chứng đau nửa đầu gây ra cảm giác khó chịu, người bệnh thường kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng.
Cơn đau đầu tăng lên khi vận động thường xuyên, ho, hắt hơi, thường vào buổi sáng, đặc biệt sau khi thức dậy. Một số người có thể dự đoán được cơn đau của mình như trước thời kỳ kinh nguyệt, sau 1 tuần làm việc căng thẳng...
Những yếu tố nguy cơ có thể khiến bạn khởi phát cơn đau nửa đầu
● Những thay đổi đột ngột về thời tiết hoặc môi trường
● Ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc
● Khói bụi, mùi nặng
● Xúc động
● Gắng sức quá mức
● Tiếng ồn lớn hoặc đột ngột
● Say tàu xe
● Lượng đường trong máu thấp
● Bỏ bữa
● Hút thuốc lá
● Trầm cảm
● Lo lắng
● Chấn thương đầu
● Một số loại thuốc
● Thay đổi nội tiết tố
● Đèn sáng hoặc nhấp nháy
Đau nửa đầu thường diễn ra thành 4 giai đoạn
Giai đoạn 1: Xuất hiện các triệu chứng báo trước, có thể 24 giờ trước khi cơn đau đầu xuất hiện như: thèm ăn, thay đổi tâm trạng, tiểu nhiều hơn...
Giai đoạn 2: Hoa mắt, nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy, yếu cơ.
Giai đoạn 3: Cơn đau đầu bắt đầu và tăng dần.
Giai đoạn 4: Mệt mỏi, kiệt sức, có thể kéo dài 1 ngày trước khi bình thường hoàn toàn.
Đau nửa đầu điều trị thế nào?
Các cách nhanh chóng làm dịu cơn đau đầu của bạn:
- Ngủ trưa hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh.
- Đắp khăn lạnh hoặc túi nước đá lên trán.
- Uống nhiều nước, đặc biệt nếu chứng đau nửa đầu kèm theo nôn mửa.
- Một lượng nhỏ caffeine có thể giúp giảm triệu chứng trong giai đoạn đầu của chứng đau nửa đầu.
Nếu vẫn không hiệu quả, có thể bạn cần sử dụng một số thuốc như:
- Thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin hoặc acetaminophen có thể làm dịu cơn đau nửa đầu.
- Thuốc giảm đau kết hợp bao gồm hỗn hợp các loại thuốc như acetaminophen cộng với caffeine.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm giảm viêm và giảm đau.
- Thuốc giảm buồn nôn có thể làm giảm cảm giác buồn nôn do nhiều loại đau đầu gây ra.
Nếu bạn bị đau nửa đầu hơn 3 lần 1 tuần, có thể bạn cần các biện pháp phòng ngừa bằng thuốc trong 2-3 tháng để đánh giá hiệu quả.
Một số chất bổ sung có thể giảm chứng đau nửa đầu của bạn: vitamin B12, magie.
Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống giúp giảm hoặc ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu như tập thể dục, tránh thực phẩm và đồ uống gây đau đầu, ăn đúng giờ, uống đủ nước.
Béo phì làm tăng nguy cơ chứng đau đầu mạn tính, vì vậy giảm cân cần thiết cho những ai thừa cân/béo phì. Bên cạnh đó, việc tránh khói thuốc lá thụ động cũng là một biện pháp cần thiết, ít nhất nếu người bên cạnh bạn có thói quen hút thuốc lá.